Nhắc đến giáo dục chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến “ngành sư phạm”, “giảng dạy” đúng không ? Tuy nhiên “Khoa học giáo dục” là một chuyên ngành quan trọng về giáo dục, có mặt từ lâu, lại đang khá mới mẻ với nhiều học sinh, sinh viên VIệt Nam. Ở Pháp, ngành khoa học giáo dục là một ngành phổ biến, được đưa vào chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ của nhiều trường đại học trên khắp cả nước. Đây là chuyên ngành học lý tưởng cho những bạn đam mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng. Hãy cùng Việt Pháp Á Âu tìm hiểu qua về ngành học thú vị này tại Pháp, cũng như điểm ra top các chương trình đào tạo chất lượng về khoa học giáo dục các bạn nhé.
NGÀNH KHOA HỌC GIÁO DỤC LÀ GÌ ?
Tổng quan về ngành
Khoa học giáo dục là một ngành thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của giáo dục liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử giáo dục, xã hội học giáo dục, tâm lý giáo dục, triết lý giáo dục, tiếp cận các xu hướng giáo dục, phương pháp giảng dạy khác nhau, sử dụng và vận hành môi trường giáo dục số, giáo dục đào tạo trong và ngoài trường học, vv… Thông qua đó, ta có thể hiểu được một cách bao quát về bối cảnh thực tế của giáo dục trong xã hội.
Khoa học giáo dục quan tâm đến tất cả các giai đoạn giáo dục của con người, từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành, trên phương diện chính thống và không chính thống. Phạm vi nghiên cứu của ngành này cũng rất đa dạng : từ tiểu học, trung học phổ thông, giáo dục đại học, tại chức, v.v… Với sự liên quan mật thiết với nhiều lĩnh vực, những nghiên cứu trong khoa học giáo dục luôn tạo nên sự phong phú và độc đáo tuy nhiên cũng rất phức tạp.
Cơ hội nghề nghiệp
Rất nhiều người nhầm tưởng rằng học “khoa học giáo dục” là chỉ để làm giáo viên bởi tên gọi của nó liên quan đến giáo dục. Nhưng thực tế thì sinh viên sở hữu bằng của ngành này sẽ được phép tham gia vào kì thi tuyển dụng của hội đồng giáo dục (CRCPE) bằng cách học lên thạc sĩ về nghề giảng dạy , về giáo dục và đào tạo (MEEF). Ra trường, sinh viên ngành khoa học giáo dục có thể làm trong các lĩnh vực đa dạng như giảng dạy, công việc đào tạo cho người trưởng thành, công tác xã hội, hỗ trợ giáo dục – xã hội, v.v…
Mức lương
Với sự đa dạng về công việc sau khi ra trường, mức lương cho người đã học ngành khoa học giáo dục cũng rất hấp dẫn và đa dạng tùy thuộc vào vị trí và tính chất công việc. Ví dụ về lương tháng trung bình của một chuyên viên đào tạo cho người trưởng thành (formateur d’adultes) rơi vào khoảng 2000-2500 euros, chuyên viên đào tạo cho người khuyết tật rơi vào khoảng 1800 euros, hay vị trí hiệu trưởng trường cấp 3 sẽ rơi vào khoảng 2700 euros v.v…
CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH KHOA HỌC GIÁO DỤC Ở PHÁP
Chương trình đào tạo ngành khoa học giáo dục ở Pháp nằm trong hệ thống giáo dục đào tạo đại học LMD (Licence/ Cử nhân – Master/ Thạc sĩ – Doctorat/ Tiến sĩ) của Châu Âu, nên sẽ có đủ trình độ từ cử nhân (Bac+3), đến thạc sĩ (Bac+5) và tiến sĩ (Bac+8), hay các chương trình đào tạo cấp bằng của trường (DU- Diplôme universitaire). Các chương trình này thường được giảng dạy trong khoa khoa học giáo dục và nhân văn thuộc các trường đại học tổng hợp, trong các đơn vị đào tạo nghiên cứu trực thuộc trường đại học (UFR – Unités Formation Recherche), các viện đại học (instituts universitaires de formation des enseignants – IUFM). Với đội ngũ giảng dạy là các giảng viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học tại các phòng nghiên cứu khoa học được công nhận bởi bộ giáo dục và đào tạo
(Để biết thêm thông tin, hãy truy cập trang web của hiệp hội AECSE – Hiệp hội giáo viên, nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học giáo dục: https://aecse.net)
CỬ NHÂN KHOA HỌC GIÁO DỤC (3 NĂM – BAC+3)
Chương trình cử nhân về khoa học giáo dục để lấy bằng thuộc cấp độ Bac+3 (tích lũy thêm 180 tín chỉ) dành cho các bạn học sinh tốt nghiệp THPT có đam mê với lĩnh vực giáo dục, đào tạo hay thậm chí với công tác xã hội.
Có rất nhiều chuyên ngành nhỏ về khoa học giáo dục được đưa ra trong chương trình cử nhân, sinh viên cần chọn lựa 1 chuyên ngành mà mình cảm thấy phù hợp nhất. Có thể kể ra một vài chuyên ngành phổ biến như giáo dục và giảng dạy, đào tạo người trưởng thành, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục, v.v…
Trong chương trình cử nhân khoa học giáo dục, sinh viên sẽ phải học rất nhiều môn học từ tổng quát đến chuyên sâu. Tuy các trường đào tạo thường thiết kế những chương trình học khác nhau nhưng nhìn chung đại đa số sẽ có những môn học phổ biến sau:
- Tâm lý học phát triển và giáo dục
- Tiếng Anh
- Phân tích thực tiễn giáo dục
- Giáo dục gia đình
- Lịch sử giáo dục
- Văn hóa nhân văn
- Văn hóa nghệ thuật và thực hành
- Triết lý giáo dục
Các chương trình thực tập là cơ hội tốt để sinh viên ngành khoa học giáo dục có thể trải nghiệm và hiểu hơn về môi trường làm việc thực tế, qua đó có một cái nhìn đúng đắn và chân thực nhất về chuyên ngành học của mình.
Điều kiện ứng tuyển
Học sinh phải tốt nghiệp THPT. Việc tuyển sinh sẽ thông qua hình thức đánh giá xem xét hồ sơ của các ứng viên. Những bạn sinh viên đã có bằng tương đương Bac+2 thuộc những chuyên ngành khác tương thích với ngành khoa học giáo dục (ví dụ như ngành ngôn ngữ, tâm lý học, triết học, v.v…) đều có thể đăng ký học tiếp lên cử nhân năm 3 (L3) ngành khoa học giáo dục.
Cơ hội việc làm
Sau khi hoàn thành bậc cử nhân khoa học giáo dục: sinh viên có thể học lên thạc sĩ để học chuyên sâu về ngành cũng như chuẩn bị cho các kì thi, hoặc có thể đi làm trực tiếp. Dưới đây là một vài gợi ý việc làm cho bậc học này:
hoạt hình văn hóa xã hội
- Giáo viên trong các trường học (cấp 2, cấp 3)
- Cố vấn giáo dục
- Tư vấn giáo dục
THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC
Chương trình thạc sĩ về khoa học giáo dục để lấy bằng thuộc cấp độ Bac+5 (tích lũy thêm 120 tín chỉ), kéo dài trong 2 năm. Đây là một chương trình đào tạo bậc cao đi sâu về chuyên ngành học cho sinh viên và chuẩn bị cho họ hành trang để bước vào môi trường làm việc thực tế. Việc định hướng chuyên sâu này có thể được thực hiện vào năm đầu tiên hoặc trong năm thứ hai thạc sĩ (M2). Tham gia vào chương trình này, sinh viên sẽ được lĩnh hội những kiến thức và kĩ năng về giáo dục như:
- Kiến thức văn hoá vững chắc về ngành giáo dục và đào tạo
- Hiểu và phân tích tốt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
- Nắm vững các phương pháp nghiên cứu và phân tích dữ liệu
- Chuẩn bị khoá luận về 1 đề tài liên quan đến lĩnh vực đào tạo
- Hiểu những thách thức, vấn đề giữa các ngành liên quan trong đào tạo
- v.v…
Đối với chương trình thạc sĩ giáo dục, nội dung học có thể thay đổi tùy theo các cơ sở đào tạo. Dưới đây là danh sách những môn học điển hình thường thấy trong chương trình này:
- Chính sách giáo dục và chính sách đào tạo
- Tự kỷ và việc học : suy nghĩ lại về mối quan hệ giáo dục
- Khó khăn của người khuyết tật trong học tập
- Khoa học thần kinh và giáo dục
- Thể chế, kinh tế, luật pháp
- Đổi mới và thay đổi trong tổ chức
- Quản lý và thể chế: giám sát, lãnh đạo
- Đào tạo kỹ thuật và mối quan hệ với kiến thức
- Hiểu và giúp đỡ những người gặp khó khăn
- Tâm lý xã hội
- Giám sát giáo dục
- Đạo đức nghề nghiệp
v.v….
Trong thời gian học thạc sĩ, sinh viên phải trải qua tổng cộng hơn 300 giờ thực tập tại một công ty, tổ chức. Ngoài ra họ cũng có thể lựa chọn chương trình thạc sĩ khoa học giáo dục vừa học vừa làm (Alternance) bằng cách ký hợp đồng vừa học vừa làm với tổ chức chủ quản của họ.
Điều kiện ứng tuyển : Để tham gia vào chương trình bậc thạc sĩ khoa học giáo dục, sinh viên phải hoàn thành chương trình học cử nhân ngành khoa học giáo dục hoặc những ngành có liên quan mật thiết với giáo dục, đào tạo. Quá trình tuyển chọn sẽ phải dựa trên việc xét duyệt hồ sơ (bắt buộc phải có bảng điểm cử nhân, CV, thư động lực, hoặc thậm chí là thư giới thiệu của người phụ trách nơi thực tập hoặc giáo viên hướng dẫn khóa luận). Có một số chương trình tuyển chọn sinh viên thông qua các bài kiểm tra viết và phỏng vấn động lực với người phụ trách chương trình thạc sĩ đó.
Cơ hội việc làm
Sinh viên hoàn thành xong chương trình thạc sĩ có thể học lên tiếp chương trình tiến sĩ để phát triển đề tài nghiên cứu khoa học của mình trong các trung tâm nghiên cứu về giáo dục thuộc trường theo học. Hoặc có thể thi các kì thi tuyển công chức trong ngành giáo dục , các kì thi tuyển giáo viên, hay làm một công việc liên quan đến giáo dục và đào tạo như: Cố vấn giáo dục, chuyên gia tư vấn giáo dục, giáo viên chuyên ngành, chuyên viên đào tạo người trưởng thành, giáo viên đại học, điều phối viên trong giáo dục xã hội.
TIẾN SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC
Chương trình tiến về khoa học giáo dục để lấy bằng thuộc cấp độ Bac+8 (tích lũy thêm 120 tín chỉ), kéo dài trong 3 hoặc 4 năm tuỳ theo tiến độ nghiên cứu. Đây là một chương trình đào tạo bậc cao dành cho các sinh viên đã hoàn thành thạc sĩ nghiên cứu về khoa học giáo dục, có nhu cầu đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu. Các nghiên cứu sinh sẽ được ký hợp đồng tiến sĩ với trường Tiến sĩ (École doctorale) và phòng nghiên cứu nơi họ làm việc (thường nằm trong khoa). Nghiên cứu sinh sẽ có cơ hội làm việc với các chuyên gia đầu ngành của trường về đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục của mình.
Điều kiện học tiến sĩ
Sinh viên phải đạt xếp loại giỏi chương trình thạc sĩ đã theo học và có điểm khóa luận thạc sĩ từ 14 điểm đổ lên. Đã đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học với phòng nghiên cứu và chọn được giáo sư hướng dẫn đề tài.
TOP 5 CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BẬC CỬ NHÂN NGÀNH KHOA HỌC GIÁO DỤC TẠI PHÁP
- Cử nhân thực hành – Khoa học giáo dục nhân văn – chuyên ngành quản lý và hỗ trợ các dự án giảng dạy. Chương trình học : Điều phối các dự án giáo dục về môi trường và phát triển bền vững, và những mạng lưới giáo dục. Trường ĐH Paul Valéry Montpellier 3 (UPVM3). UFR 6 Giáo dục và khoa học cho chuyên ngành văn học ,ngoại ngữ, nghệ thuật và khoa học xã hội nhân văn (UFR 6 UPVM3)
- Cử nhân khoa học xã hội , chuyên ngành khoa học giáo dục. Chương trình đào tạo : Khoa học giáo dục. Trường Bordeaux . Khoa khoa học giáo dục.
- Cử nhân khoa học xã hội và nhân văn, chuyên ngành khoa học giáo dục. Chương trình đào tạo : mối quan hệ xã hội, giáo dục và trung gian hoà giải. Đại học Limoges. Khoa khoa học xã hội và nhân văn
- Cử nhân khoa học xã hội nhân văn, chuyên ngành khoa học giáo dục. Chương trình đào tạo : hành động trong giáo dục và đào tạo: giáo dục và giảng dạy; việc sử dụng giáo dục – xã hội của công nghệ thông tin và truyền thông. Trường ĐH Rennes 2 – Khoa khoa học nhân văn
- Cử nhân khoa học xã hội và nhân văn, chuyên ngành khoa học giáo dục. Chương trình học: Khuôn viên học tập kỹ thuật số FORSE; giáo dục, y tế và người khuyết tật.; đào tạo người trưởng thành, giáo dục toàn dân; nghề giáo tại trường tiểu học. ĐH Lumière – Lyon 2. Viện khoa học và thực hành giáo dục đào tạo (ISPEF)
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm một lựa chọn thú vị về ngành học cho dự định du học Pháp sắp tới của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay muốn tìm hiểu cụ thể về các chương trình đào tạo ngành khoa học giáo dục, các bạn đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi nhé. E kip của Việt Pháp Á Âu sẽ tư vấn giúp các bạn.
—————————————————————————————————————-
Để biết thêm những thông tin các chương trình du học Pháp hay thông tin về các lớp học tiếng pháp tại Việt Pháp Á Âu, các bạn hãy liên hệ :
Công ty tư vấn giáo dục và phát triển hội nhập Việt Pháp Á Âu
Hotline : 0983 102 258
Email : duhocvietphap@gmail.com
FanPage : www.facebook.com/duhocvietphapaau/
Địa chỉ : P 1702, Nhà A1, Đường Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, HN